Với học sinh Hanoi Adelaide School, cô Nguyễn Thị Hiền không chỉ là một cô giáo đáng mến, mà còn là người đồng hành tin cậy có thể cùng các con chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.

Qua nhiều năm gắn bó, cô Nguyễn Thị Hiền là gương mặt giáo viên quen thuộc với học sinh Hanoi Adelaide School trong các giờ Giáo dục cảm xúc-xã hội (Social and Emotional Learning – SEL), môn học “đặc sản” tại Nhà trường.

Không chỉ là một môn học đơn thuần, SEL giúp mỗi các nhân có thể vận dụng các kiến thức, kỹ năng, thái độ để phát triển cá tính lành mạnh, kiểm soát cảm xúc và đạt được mục tiêu cá nhân, mục tiêu chung; đồng cảm và thể hiện sự đồng cảm với người khác; thiết lập và duy trì các mối quan hệ tích cực; và đưa ra các quyết định có trách nhiệm. 

Khi được hỏi về câu nói mà mình yêu thích nhất, là “kim chỉ nam” giúp cô thêm gắn bó với môn SEL, cô Hiền chia sẻ: “Nếu một đứa trẻ có thể làm toán nâng cao, nói 3 thứ tiếng, hoặc nhận điểm cao nhất, nhưng không thể kiểm soát cảm xúc, sự tức giận, giải quyết hoặc xử lý căng thẳng, không có thứ nào khác thực sự quan trọng” (tạm dịch)(*). Bởi trẻ em luôn là đối tượng “nhạy cảm” với bất kì điều gì đang diễn ra trong cuộc sống của mình, và các em cần được hướng dẫn để nhận biết và có những ứng xử phù hợp với hoàn cảnh, tình huống.

Đó cũng là lí do khiến cô Hiền mong muốn dạy-học trong môn học này, để cùng đồng hành với các con học sinh H.A.S trong quá trình trở thành một công dân thế hệ mới Tự lập-Tự chủ-Trách nhiệm. 

Cô Hiền vừa là cô giáo, vừa là bạn với học sinh

Không có học sinh nào là cá biệt 

Ngày đầu cô Hiền đến với H.A.S cũng là thời điểm Nhà trường bắt đầu dạy môn Giáo dục Cảm xúc-xã hội. Với cô, để thực sự giúp học sinh hiểu và thực sự yêu thích môn học, mỗi người thầy, người cô cần phải thực sự quan tâm, thấu hiểu học sinh. Khi vào lớp, thầy, cô phải biết học sinh cảm thấy như thế nào, muốn gì, có đang gặp khó khăn gì hay không?  

Bên cạnh đó, với việc là một giáo viên dạy môn SEL, cô Hiền luôn mang trong mình một “tư duy mở” với góc nhìn đa chiều, luôn đồng hành cùng học sinh để các bạn luôn cảm thấy được lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm từ đó trở nên tự tin và tích cực. 

Sự quan tâm và tư duy mở là điều giúp cô Hiền có thể dạy tốt môn Giáo dục cảm xúc-xã hội

Trong từ điển của cô không bao giờ có từ “học sinh hư”, “học sinh cá biệt”. “Với tôi, không có học sinh nào là học sinh cá biệt. Vì dù là học sinh hay thầy, cô, cha mẹ,… tất cả chúng ta vẫn đang trong quá trình tự nhận thức và điều chỉnh bản thân. Đặc biệt, ở độ tuổi dậy thì, các bạn học sinh đều có nhu cầu tìm tòi, khám phá, có sự tinh nghịch riêng. Tất cả hành vi đó đều có thể cùng nhau điều chỉnh để các em trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình”, cô Hiền chia sẻ.

Học sinh là những hạt mầm yêu thương

Trên lớp, cô luôn khuyến khích học sinh làm những gì các bạn thích, trong giới hạn, phải tuân thủ kỷ luật, nội quy lớp học, Nhà trường. Không một học sinh nào của cô cảm thấy bị gò bó, khó chịu với điều này. Ngược lại, bạn nào cũng rất tuân thủ nguyên tắc mà cô đặt ra và luôn vui vẻ khi bước vào giờ học SEL. 

Trong mắt các bạn học sinh, cô Hiền rất nghiêm túc, kỷ luật nhưng cũng vô cùng dễ gần “như một người bạn”

Gần gũi, thân thuộc là những gì mà HASers cảm nhận được từ cô Hiền. Các bạn học sinh thường xuyên tâm sự với cô bất kể ở đâu, bất kể chuyện gì và đều được cô đáp lại bằng sự chân thành, yêu thương.

Những bức tranh do HASers vẽ cô Hiền

Về phần mình, cô Hiền cảm thấy chính các bạn học sinh là người đang chăm sóc tinh thần cho cô. Cô tâm sự: “Các bạn học sinh giống như những hạt mầm yêu thương của tôi. Tôi thường xuyên nhận được những món quà bất ngờ từ các bạn, đôi khi là một bông hoa bằng đất nặn, một bức tranh, một sản phẩm trong giờ học STEAM, cũng có lúc, đó chỉ đơn giản là một bức thư, một tấm thiệp với những lời yêu thương: Con yêu cô; Con cảm ơn cô… Với học sinh tại H.A.S, tôi luôn cảm thấy mình được yêu thương và hạnh phúc và đó cũng là nguồn động lực giúp tôi gắn bó, thực hiện sứ mệnh của mình tại Hanoi Adelaide School”.

———

Là một trong những ngôi trường tiên phong đưa bộ môn Giáo dục cảm xúc – xã hội vào chương trình chính khóa. Môn học giáo dục cảm xúc-xã hội (SEL) tại Hanoi Adelaide School được xây dựng phù hợp với từng cấp học, nhằm hình thành và phát triển ở học sinh 5 nhóm năng lực chính, bao gồm năng lực tự nhận thức, năng lực quản lí bản thân, năng lực nhận thức về xã hội, năng lực làm chủ các mối quan hệ và năng lực đưa ra quyết định có trách nhiệm.

Hanoi Adelaide School

Ngôi trường tiên phong trong giáo dục phát triển năng lực